Bạn có thể gọi Broida là một… thằng điên, thằng ngớ ngẩn vì anh chàng không thể nhận ra lợi ích của Android. Song, là một biên tập viên công nghệ, Broida sẵn sàng đối đầu với những "gạch đá" này. Trong bài viết dưới đây, Broida sẽ không cố gắng chứng minh rằng Android là một nền tảng kém cỏi. Anh sẽ giải thích vì sao một người dùng iPhone lâu năm như anh không thể "chịu đựng" nổi Android: điều gì sẽ tạo ra một trải nghiệm smartphone hoàn hảo, và điều gì khiến cho con người ta "yêu quí" chiếc smartphone mác Táo của mình đến phát cuồng như vậy?
Các dấu hiệu rắc rối đầu tiên của Android
Trong một vài tuần lễ đầu tiên, người dùng "cũ" của iOS sẽ phải học cách làm quen với Android.
Vấn đề là ở chỗ trong khi Android không phải là một hệ điều hành quá khó sử dụng, sự thật là Android có quá nhiều yếu tố giao diện thiếu trực quan tới… phát cuồng (ví dụ như ứng dụng Gọi điện và ứng dụng Play Music), trong khi các yếu tố thiết kế khác sẽ làm cho trải nghiệm sử dụng trở nên khó chịu (ví dụ như số lượng các thông báo quá nhiều và không bao giờ ngừng nghỉ).
Nói cách khác, Android đòi hỏi bạn phải tùy biến rất nhiều để tạo ra trải nghiệm smartphone mong muốn. Fan của Android coi đó là một lợi ích, song với rất nhiều người, điều đó là quá phiền toái. Không chỉ có vậy, chiếc Moto X còn mang lại rất nhiều rắc rối khó hiểu. Ví dụ, khi Broida ngồi vào xe hơi của mình, chiếc smartphone đầu bảng của Motorola sẽ tự động rung 3 lần – nhưng chỉ là khi xe của anh đang ở trong ga-ra. Vì sao điều này lại xảy ra? Kết nối Bluetooth? Wi-Fi? Broida không biết tại sao, và anh cũng chẳng có đủ thời gian để tìm hiểu vấn đề rất kì cục này.
Email? Biên tập viên "xấu số" của Cnet không hề muốn sử dụng tính năng "Đẩy" (Tự động lấy mail) bởi số lượng thông báo quá nhiều sẽ gây khó chịu, chưa kể thời lượng pin sẽ bị giảm sút. Ấy vậy mà chiếc Moto X của anh vẫn cứ tự động kích hoạt tính năng này, và Broida không thể tìm ra cách nào để tắt tính năng khó chịu này đi.
Và chiếc Moto X của Broida cũng không hiển thị số lượng tin nhắn mới. Các ứng dụng thông báo (notification) của bên thứ 3 có thể giúp Broida giải quyết phần nào vấn đề này, song chúng không hề ổn định như mong đợi.
Tương tự như vậy, tính năng tự động hoàn thiện trường nhập trên Android gần như không hoạt động trên phần lớn các ứng dụng – khác hẳn với iOS. Điều này khiến cho quá trình đăng ký dịch vụ hoặc đăng nhập trên Android trở nên rất khó khăn so với iOS.
Đau đầu vì phần cứng
Nhiều người cho rằng Moto X tạo ra cảm giác cầm tay khá tuyệt vời, song sự thật là chiếc smartphone này sẽ tạo ra cảm giác kì cục và khó chịu khi bạn sử dụng để gọi điện. Không chỉ có vậy, những người thường nghe điện thoại bằng tay trái như Broida sẽ thường xuyên đặt nhầm ngón trỏ lên nút nguồn hoặc nút điều chỉnh âm lượng. Thân hình của Moto X không có vị trí đặt ngón tay nào đủ thoải mái cho người dùng cả.
Là một chiếc smartphone được đánh giá rất tốt song Moto X mang lại trải nghiệm sử dụng trong trời nắng rất kém cỏi, ngay cả khi Broida đã chỉnh độ sáng lên tối đa. Kế tiếp là Chromecast. Chromecast thậm chí còn không thể kết hợp để xem ảnh từ Moto X trên màn hình TV. Trái ngược lại, iPhone và Apple TV kết hợp với nhau một cách hoàn hảo.
Về chất lượng cuộc gọi, Moto X thua kém quá nhiều so với iPhone 5c, vốn là một chiếc iPhone bị "căm ghét" nhất trong lịch sử của Apple.
Cuối cùng, Moto X không có nút tắt âm báo nhanh, không thể truy cập nhanh vào ứng dụng camera và đèn pin. Số lượng lựa chọn dock loa và sạc cho chiếc smartphone này cũng rất ít, chưa kể nút Home của Moto X không phải là nút Home vật lý để bạn có thể dễ dàng bật máy trong trời tối.
Cuối cùng, thời lượng pin của Moto X trong quá trình sử dụng của Broida là cực kì kém cỏi so với iPhone. Ngay cả khi máy còn 40% pin trước khi đi ngủ, Moto X sẽ bị cạn pin ngay vào sáng hôm sau. Trái ngược lại, bạn có thể để iPhone ở trạng thái chờ trong nhiều ngày liên tiếp. Android vẫn luôn là một hệ điều hành quản lý pin rất kém, và đó sẽ là một điểm yếu cố hữu so với iOS.
Bức tranh tổng thể
Và dĩ nhiên bạn cũng sẽ không thể sử dụng tính năng Find My Friends của Apple trên Android. Bạn sẽ không thể tìm kiếm vị trí của người thân trong gia đình và bạn bè. Hiển nhiên FaceTime sẽ góp tên vào danh sách dịch vụ mà bạn phải "hi sinh" trên Android. Trong khi dịch vụ chat video này rất tiện lợi với người dùng iPhone (và cũng được tích hợp hoàn hảo vào ứng dụng gọi thông thường), bạn sẽ buộc phải nhờ tới các dịch vụ bên thứ 3 như Skype để liên lạc. Bạn sẽ phải mất rất nhiều công sức để hướng dẫn những người dùng kém hiểu biết kỹ thuật (ví dụ như người già hoặc trẻ em) sử dụng Skype, và do đó việc liên lạc với họ sẽ trở nên khó khăn hơn trước.
Các ứng dụng bên thứ 3 của Android cũng kém cỏi hơn hẳn so với iOS. Rất nhiều ứng dụng iOS có phiên bản Android, song trải nghiệm phiên bản Android thường bị kém mượt mà và trau chuốt hơn so với phiên bản iOS. Thậm chí, một số ứng dụng như Paper (của Facebook) thậm chí còn không có phiên bản Android.
Smartphone Android hơn iPhone những gì?
Rất nhiều người sẽ chờ đợi sự ra mắt của chiếc iPhone cỡ lớn (4,7 inch và 5,5 inch) vào mùa thu năm nay. Khi chiếc iPhone này ra mắt, cuộc đua giữa iPhone và Android sẽ trở nên nóng bỏng hơn rất nhiều, bởi thiết bị màn hình lớn cho tới giờ vẫn là thế mạnh độc tôn của Google. Khi Apple tấn công vào "sân nhà" của Google, khó có thể đoán trước bao nhiêu fan sẽ từ bỏ các dòng Galaxy S hay Xperia Z để đến với iPhone.
Kết luận: iPhone hay Android tốt hơn?
Khi đọc bài viết này, nhiều người sẽ coi quan điểm của Broida là một lời đánh giá, chỉ trích trực tiếp nhắm vào Android. Sự thật đúng là như vậy, nhưng lời chỉ trích này cũng chỉ là một quan điểm cá nhân mà thôi. Biên tập viên 25 năm kinh nghiệm của Cnet đã có cơ hội sử dụng các sản phẩm công nghệ trong 25 năm, và trải nghiệm cả iPhone 4S lẫn Moto X mang tới cho anh một quyết định rất rõ ràng: (với Broida) Moto X quá kém cỏi so với iPhone 4S chính hãng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét